loader image

THỦ TỤC KINH DOANH VÀNG BẠC, ĐÁ QUÝ


Vàng bạc, đá quý là tài sản có giá trị cao và có nhu cầu khá lớn, được sử dụng để tích trữ hoặc làm đồ trang sức, vậy nên đầu tư kinh doanh vàng, bạc, đá quý hay trang sức nói chung cũng sẽ mang lại lợi nhuận không hề nhỏ. Tuy nhiên, vì tính chất nhạy cảm và khá đặc thù nên lĩnh vực kinh doanh vàng bạc, đá quý được nhà nước kiểm soát chặt chẽ. Muốn đăng ký giấy phép kinh doanh vàng bạc, đá quý, các cá nhân, tổ chức cần tìm hiểu một cách kỹ lưỡng trước khi thực hiện. Vậy muốn mở tiệm vàng, bạc, đá quý nói chung thì bạn cần những điều kiện và giấy phép nào? Bài viết sau đây, Luật Đại Cát xin hướng dẫn và tư vấn trình tự đến quý khách hàng như sau:

KINH DOANH VÀNG BẠC, ĐÁ QUÝ CẦN ĐÁP ỨNG NHỮNG ĐIỀU KIỆN GÌ?

1. CĂN CỨ PHÁP LÝ

  • Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng;
  • Thông tư 24/2022/TT-NHNN sửa đổi Thông tư quy định về thủ tục hành chính trong lĩnh vực quản lý ngoại hối do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành;
  • Thông tư 15/2021/TT-NHNN sửa đổi Thông tư 16/2012/TT-NHNN hướng dẫn Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành;
  • Thông tư 03/2017/TT-NHNN sửa đổi Thông tư 16/2012/TT-NHNN hướng dẫn Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành;
  • Thông tư 38/2015/TT-NHNN sửa đổi Thông tư 16/2012/TT-NHNN hướng dẫn Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ban hành;
  • Thông tư 16/2012/TT-NHNN hướng dẫn Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành.

2. ĐIỀU KIỆN CỦA DOANH NGHIỆP HOẠT ĐỘNG SẢN XUẤT, KINH DOANH MỞ TIỆM VÀNG, BÁN VÀNG TRANG SỨC, MỸ NGHỆ

2.1. Điều kiện hoạt động gia công vàng trang sức, mỹ nghệ

Cá nhân, hộ gia đình, hợp tác xã và doanh nghiệp được thực hiện gia công cho doanh nghiệp sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ và phải có đăng ký gia công vàng trang sức, mỹ nghệ trong Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh, Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp

2.2. Điều kiện đối với doanh nghiệp hoạt động sản xuất vàng

Để có thể hoạt động sản xuất vàng, doanh nghiệp phải được ngân hàng nhà nước cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vàng, trang sức và mỹ nghệ nói chung. Và để được cấp giấy phép này, doanh nghiệp phải đảm bảo 2 điều kiện:

–  Doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh có liên quan đến ngành nghề mã hóa sản phẩm vàng trang sức, mỹ nghệ

–  Có địa điểm cố định, cơ sở vật chất và trang thiết bị đầy đủ phục vụ hoạt động sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ.

2.3. Điều kiện đối với doanh nghiệp hoạt động kinh doanh, mua bán vàng

Theo Nghị định 24/2012, doanh nghiệp được phép kinh doanh vàng, trang sức, mỹ nghệ nếu đáp ứng các điều kiện sau:

– Doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, có mã ngành liên quan đến mua bán vàng trang sức, mỹ nghệ

– Có địa điểm cố định, cơ sở vật chất và trang thiết bị đầy đủ để kinh doanh vàng trang sức, mỹ nghệ.

3. THỦ TỤC ĐĂNG KÝ GIẤY PHÉP KINH DOANH VÀNG BẠC, ĐÁ QUÝ

3.1. Theo đó tùy mục đích hoạt động, kinh doanh vàng mà cá nhân, tổ chức tiến hành thành lập công ty vàng bạc đá quý tương ứng.

Lựa chọn loại hình doanh nghiệp: Để hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh vàng bạc, đá quý thì chủ cơ sở, tổ chức cần lựa chọn loại hình doanh nghiệp phù hợp.

Mỗi loại hình doanh nghiệp sẽ có những đặc điểm pháp lý riêng, dựa trên các điều kiện bạn đang có về số lượng thành viên sáng lập, định hướng kinh doanh mà bạn có thể cân nhắc lựa chọn một trong bốn loại hình doanh nghiệp được quy định trong pháp luật doanh nghiệp Việt Nam, đó là:

  • Doanh nghiệp tư nhân;
  • Công ty hợp danh;
  • Công ty TNHH gồm: Công ty TNHH một thành viên hoặc Công ty TNHH hai thành viên trở lên;
  • Công ty cổ phần.

Trong bốn loại hình doanh nghiệp trên, Công ty TNHH và Công ty cổ phần có những đặc điểm pháp lý nổi trội hơn như có tư cách pháp nhân, cùng với chế độ trách nhiệm hữu hạn và nhiều phương thức huy động vốn nên được nhiều lựa chọn khi thành lập doanh nghiệp. Bạn có thể tìm hiểu về ưu nhược điểm của hai loại hình này để đưa ra quyết định đúng đắn nhất.

3.2. Trình tự thực hiện như sau:

Dù bạn chọn loại hình thành lập công ty là gì thì về cơ bản các đầu mục hồ sơ đăng ký kinh doanh cần chuẩn bị cũng không mấy khác biệt. Hồ sơ đăng ký kinh doanh tiệm vàng:

Hồ sơ thành lập gồm có:

  • Giấy đề nghị đăng ký thành lập doanh nghiệp;
  • Điều lệ công ty;
  • Danh sách thành viên (đối với loại hình Công ty TNHH hai thành viên trở lên) hoặc danh sách cổ đông (đối với Công ty cổ phần);
  • Bản sao công chứng CMND/CCCD/Hộ chiếu người thành lập;
  • Quyết định của tổ chức góp vốn (đối với công ty có tổ chức góp vốn).
  • Giấy ủy quyền cho người nộp hồ sơ (nếu người đại diện theo pháp luật không trực tiếp thực hiện).

Nộp hồ sơ đến Phòng Đăng ký kinh doanh trực thuộc Sở Kế Hoạch và Đầu Tư  nơi bạn đặt trụ sở và chờ nhận kết quả từ 03 – 05 ngày kể từ ngày nhận hồ sơ (không bao gồm ngày nghỉ, lễ, tết).

Lưu ý: Pháp luật cho phép đăng ký ngành nghề kinh doanh bao gồm cả ngành nghề kinh doanh có điều kiện và ngành nghề kinh doanh không có điều kiện. Tuy nhiên, nếu bạn lựa chọn ngành nghề đăng ký kinh doanh có điều kiện thì cần đáp ứng đầy đủ những điều kiện luật định trước khi tiến hành kinh doanh (không nhất thiết phải đáp ứng các điều kiện này tại thời điểm đăng ký doanh nghiệp).

3.3. Những điều cần lưu ý sau khi thành lập Công ty vàng bạc đá quý

Sau khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, doanh nghiệp cần tiến hành thực hiện một số công việc sau:

  • Treo biển hiệu tại trụ sở công ty;
  • Khắc dấu pháp nhân của doanh nghiệp;
  • Mở tài khoản ngân hàng cho công ty;
  • Đăng ký mua chữ ký số (Token) để thực hiện kê khai thuế trực tuyến;
  • Đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử và thông báo phát hành hóa đơn điện tử;
  • Kê khai và nộp lệ phí môn bài;
  • Thực hiện thủ tục khai thuế ban đầu;
  • Thiết lập chế độ sổ sách kế toán…

4. HƯỚNG DẪN HỒ SƠ XIN GIẤY CHỨNG NHẬN SẢN XUẤT VÀNG TRANG SỨC, MỸ NGHỆ

–  Ngày nay, nhu cầu sử dụng vàng trang sức, mỹ nghệ để làm đẹp cho bản thân. Điều này dẫn đến sự xuất hiện ngày càng nhiều của các công ty sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ. Tuy nhiên trong thực tế, hoạt động sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ cần phải đáp ứng các điều kiện cụ thể theo quy định tại nghị định 24/2012/NĐ-CP.

–  Căn cứ vào phụ lục IV Luật Đầu tư 2020, việc kinh doanh vàng là ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Việc sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ hiện nay là một trong các loại hình kinh doanh vàng phổ biến và đòi hỏi các doanh nghiệp phải đáp ứng các điều kiện đặc thù của ngành nghề này.

Ngoài việc đáp ứng điều kiện về thành lập doanh nghiệp thì khi hoạt động doanh nghiệp cần tiến hành xin cấp giấy chứng nhận sản xuất vàng, trang sức, mỹ nghệ (gọi tắt là giấy phép con) để đủ điều kiện kinh doanh.

4.1.  Hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ

  • Đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ (theo mẫu tại Phụ lục 1 Thông tư 16/2012/TT-NHNN).
  • Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và tài liệu chứng minh doanh nghiệp đã đăng ký hoạt động sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ theo quy định của pháp luật.
  • Văn bản hoặc tài liệu chứng minh quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng địa điểm sản xuất; bản kê khai về cơ sở vật chất và trang thiết bị phục vụ hoạt động sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ.

4.2. Trình tự, thủ tục đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ

  • Bước 1:  Doanh nghiệp có nhu cầu sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ gửi 01 bộ hồ sơ theo quy định đến NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính.
  • Bước 2:  Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố xem xét, thẩm định hồ sơ.
  • Bước 3:  Trong thời hạn 30 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ của doanh nghiệp, Giám đốc NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố cấp hoặc từ chối cấp (có văn bản ghi rõ lý do) Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ.

5. ĐIỀU KIỆN KINH DOANH MUA, BÁN VÀNG MIẾNG

– Hoạt động mua, bán vàng miếng của các tổ chức, cá nhân chỉ được thực hiện tại các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp được Ngân hàng Nhà nước cấp Giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng.

– Khác với 03 hoạt động kinh doanh trên, kinh doanh mua, bán vàng miếng có những điều kiện tương đối phức tạp hơn và doanh nghiệp phải thực hiện thủ tục xin cấp Giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng trước khi tiến hành kinh doanh.

5.1. Điều kiện để được cấp Giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng

  • Là doanh nghiệp thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật.
  • Có vốn điều lệ từ 100 tỷ đồng trở lên.
  • Có kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh mua, bán vàng từ 02 năm trở lên.
  • Có số thuế đã nộp của hoạt động kinh doanh vàng từ 500 triệu đồng/năm trở lên trong 02 năm liên tiếp gần nhất (có xác nhận của cơ quan thuế).
  • Có mạng lưới chi nhánh, địa điểm bán hàng tại Việt Nam từ 03 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trở lên.

5.2. Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng bao gồm:

  • Đơn đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng (theo mẫu tại Phụ lục 2 Thông tư 16/2012/TT-NHNN);
  • Danh sách các địa điểm đăng ký làm địa điểm kinh doanh mua, bán vàng miếng (trụ sở chính, chi nhánh, địa điểm kinh doanh);
  • Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh và văn bản thể hiện địa điểm đăng ký làm địa điểm kinh doanh mua, bán vàng miếng theo Danh sách các địa điểm đăng ký làm địa điểm kinh doanh mua, bán vàng miếng đã được đăng ký kinh doanh hoặc đã được thông báo tới cơ quan đăng ký kinh doanh có thẩm quyền theo quy định của pháp luật;
  • Xác nhận của cơ quan thuế về số thuế đã nộp của hoạt động kinh doanh vàng trong 02 năm liền kề trước đó.

5.3. Trình tự, thủ tục đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng bao gồm:

  • Bước 1: Doanh nghiệp gửi hồ sơ đến Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (Vụ Quản lý ngoại hối)
  • Bước 2: Sau khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thông báo để Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố trên địa bàn kiểm tra về giấy tờ pháp lý chứng minh quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng địa điểm kinh doanh và tình hình trang thiết bị cần thiết để triển khai hoạt động mua, bán vàng miếng tại địa điểm đăng ký làm địa điểm kinh doanh mua, bán vàng miếng.
  • Bước 3: Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông báo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố báo cáo kết quả kiểm tra cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (Vụ Quản lý ngoại hối).
  • Bước 4: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xem xét, quyết định việc cấp Giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng.

6. TRÁCH NHIỆM PHÁP LÝ CỦA DOANH NGHIỆP KINH DOANH VÀNG MIẾNG

6.1. NHỮNG VIỆC DOANH NGHIỆP CẦN CHÚ Ý KHI KINH DOANH MUA, BÁN VÀNG MIẾNG

  • Chỉ được phép mua, bán các loại vàng miếng quy định như trên.
  • Không được phép thực hiện kinh doanh vàng miếng thông qua các đại lý ủy nhiệm.
  • Chấp hành các quy định của pháp luật về chế độ kế toán, lập và sử dụng hóa đơn chứng từ.
  • Niêm yết công khai tại địa điểm giao dịch về giá mua và giá bán vàng miếng.
  • Có biện pháp và trang thiết bị bảo đảm an toàn trong hoạt động kinh doanh.
  • Tuân thủ các quy định tại Nghị định này và các quy định của pháp luật khác có liên quan.

6.2. CHẾ ĐỘ BÁO CÁO KHI HOẠT ĐỘNG KINH DOANH VÀNG

Theo quy định tại Điều 20 – Thông tư 16/2012/TT-NHNN có hiệu lực từ ngày 10/07/2012, được bổ sung bởi Khoản 4 Điều 1 Thông tư 29/2019/TT-NHNN có hiệu lực từ ngày 12/02/2020, doanh nghiệp có trách nhiệm nộp báo cáo như sau:

Định kỳ hằng quý doanh nghiệp kinh doanh mua, bán vàng miếng có thực hiện điều chỉnh địa điểm kinh doanh mua, bán vàng miếng (bao gồm thay đổi tên, địa chỉ của địa điểm kinh doanh mua, bán vàng miếng, bổ sung địa điểm kinh doanh mua, bán vàng miếng, chấm dứt hoạt động kinh doanh mua, bán vàng miếng tại địa điểm đã được cấp phép hoặc báo cáo với Ngân hàng Nhà nước theo quy định tại Thông tư này) gửi báo cáo về các nội dung điều chỉnh địa điểm kinh doanh mua, bán vàng miếng phát sinh trong kỳ báo cáo.

6.3. Nơi nộp báo cáo: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (Vụ Quản lý ngoại hối) và Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố nơi doanh nghiệp, tổ chức tín dụng đặt trụ sở chính

6.4. Thời hạn nộp báo cáo: Chậm nhất vào ngày 15 (mười lăm) của tháng đầu tiên quý tiếp theo quý báo cáo.

Leave A Comment

All fields marked with an asterisk (*) are required